Sau khi cơn sốt đất nền dự án các tỉnh đi qua, rơi vào trầm lắng, nhiều công ty môi giới đã sử dụng “đòn bẩy” truyền thông “vẽ” ra tiềm năng của khu vực đó nhằm thu hút nhà đầu tư.

Tuy nhiên, một số chuyên gia trước đó cũng đã khuyến cáo khi dự án nằm trong khu vực chưa có hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông và dân cư sinh sống thì không nên “chôn vốn” vào.

Viễn cảnh “tươi đẹp”

Mới đây, trên một số phương tiện truyền thông xuất hiện những bài viết thông tin về thị trường bất động sản (BĐS) một số tỉnh đang có dự án rơi vào đìu hiu.

Đơn cử, một số bài viết về thị trường BĐS huyện Phổ Yên (Thái Nguyên) đã nhấn mạnh về tiềm năng kinh tế, du lịch, dân cư trong tương lai sẽ là một điểm sáng về BĐS. Thế nhưng, theo khảo sát cho tới thời điểm hiện tại, khu vực này ngoài cách khu công nghiệp có công ty Samsung thì không còn một tiềm năng nào khác, thậm chí còn cách xa thành phố đến gần 20km.

Trao đổi với một nhà đầu tư tại khu vực được biết dự án khu đô thị này đa phần là đất nền phân lô. Mặc dù đã mở bán từ đầu năm 2019 nhưng số lượng căn còn lại vẫn khá nhiều. Giá mỗi suất đầu tư 100m2 lên tới gần 1 tỷ đồng. Một số nhà đầu tư đứng ngồi không yên vì giá không nhúc nhích, có căn còn hạ giá cũng không thể “lướt sóng” được vì không có người hỏi mua.

Hay như đất nền Thanh Hóa gây hiện tượng sốt trong thời gian vừa qua cũng cho thấy một thực trạng “vẽ” ra viễn cảnh tươi đẹp của thành phố mở rộng và khu vực phía đông của thành phố. Tuy nhiên, trên thực tế, số dân thành phố vẫn không thay đổi, tiềm năng du lịch chỉ có ở thị xã Sầm Sơn, khu kinh tế Nghi Sơn cũng cách xa khu vực này… Nhiều nhà đầu tư đến sau mắc kẹt đất nền Tp. Thanh Hoá mà nay muốn bán đi cũng không được.

Tương tự, tại huyện Quế Võ, huyện Yên Phong (Bắc Ninh), sau cơn sốt đất ở Tp. Bắc Ninh và các huyện lân cận đi qua hồi năm 2018, nay thị trường BĐS cũng rơi vào tình trạng “đìu hiu”. Nguyên nhân là dự án cứ mọc lên mà dân số vẫn không thay đổi. Các chuyên gia tại các khu công nghiệp đều đã ổn định cuộc sống, công nhân thì không đủ khả năng mua, giao dịch chủ yếu giữa các “cò” và những nhà đầu tư “lướt sóng”.

Thế nên, gần đây, nhiều bài viết trên các phương tiện truyền thông tiếp tục “vẽ” ra tiềm năng của thị trường BĐS nơi đây. Điều mà nhiều nhà đầu tư chưa nhìn thấy đó là các tiềm năng mới chỉ được “vẽ” ra, còn thực tế các dự án vẫn lâm vào cảnh dự án “ma”.

Trao đổi về vấn đề đầu tư đất nền, ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cho rằng thực trạng này không phải mới xảy ra. Bài học như thế đã có từ thời gian trước, cơn sốt đất tại Ba Vì, Mê Linh đã khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ theo phong trào lỗ nặng. Nhà đầu tư chưa nhìn thấy đất, chưa thấy tiềm năng đâu mà chỉ thấy “chiêu” truyền thông quy hoạch đã đổ tiền vào.

Than-trong-voi-chieu-truyen-th-5495-3909

Người mua cần tìm hiểu quy hoạch từ địa phương để đầu tư hiệu quả

Nên nắm chắc quy hoạch

Theo ông Hà, nhiều nhà đầu tư đến nay vẫn vấp phải cái “bẫy” này, tiền đã xuống hơn 10 năm nhưng có những dự án vẫn “bất động”, không có người ở. Có những dự án đã bị thu hồi và không có khả năng triển khai tiếp.

Trước đó, trao đổi với báo Thời báo Kinh Doanh, ông Dương Đức Hiển, Giám đốc kinh doanh Savills miền Bắc và miền Trung, cho rằng sở dĩ đất nền hút khách là do Việt Nam là một trong những nước có tốc độ đô thị hoá nhanh nhất thế giới.

Tuy nhiên, có rất nhiều khu phân lô bán nền xong, 10 năm sau vẫn là khu đất trống. Đó là câu chuyện liên quan đến định hướng phát triển, cũng như dự án đó nằm ở vị trí như thế nào.

Theo ông Hiển, không riêng gì Hà Nội, đất nền ở nhiều tỉnh sau một thời gian sốt, giá đất giảm, nhà đầu tư bỏ chạy, dự án không được triển khai xây dựng, không thu hút được người về ở nên dẫn tới bỏ hoang.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho rằng một số dự án này không đủ tính pháp lý. Vấn đề là các địa phương đang thiếu đồng bộ trong quy hoạch phát triển nhà ở, dẫn đến các dự án bán đất nền mang tính đột biến, thực hiện theo nhu cầu của nhà đầu tư, người tiêu dùng.

Điển hình, các vùng từng dự kiến lên đặc khu như Phú Quốc, Vân Đồn do chưa có quy hoạch cụ thể, nhưng các nhà phát triể nBĐS và nhà đầu tư “nhảy” vào rất nhanh và không theo một quy hoạch nào cả. Vì chưa có quy hoạch cụ thể, chính quyền địa phương cũng lúng túng, không kiểm soát được, không có biện pháp ngăn chặn sự bùng nổ.

Ông Hiển cũng cảnh báo việc đầu tư đất nền không nên “lướt sóng” mà cần đầu tư trung hạn cho tới dài hạn. Trong trung hạn 3 năm, phải quan tâm dự án đó được quy hoạch thế nào, xung quanh dự án có những gì đảm bảo mang tính thương mại không?

Đồng thời, các chuyên gia cũng cảnh báo không nên tin vào những viễn cảnh mà môi giới hay một số “chiêu” truyền thông mang tính thị trường đẩy giá BĐS đó lên. Người mua cần phải tìm hiểu quy hoạch từ địa phương để đầu tư cho hiệu quả.

Phạm Minh

Đánh giá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *