Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ để xin chủ trương thực hiện dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị theo hình thức BT.

16 năm “đứng bánh”

Năm 2004, TP Đà Nẵng công bố dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng, từ vị trí hiện hữu ở đường Hải Phòng, quận Thanh Khê, sang vị trí mới tại phường Hòa Khánh Nam và Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Từ khi công bố quy hoạch đến nay, vì nhiều nguyên nhân, trong đó có do thiếu vốn, dự án đã bị treo 16 năm.

Tại văn bản trình Thủ tướng, UBND TP Đà Nẵng cho biết thời gian qua, TP thường xuyên làm việc với các bộ, ngành trung ương để giải quyết vướng mắc, sớm triển khai lại dự án. Trên cơ sở đó, TP Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng xem xét, thống nhất các phương án cho phép thực hiện dự án này. Theo đó, dự án gồm 2 tiểu dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 12.000 tỉ đồng. Trong đó, tiểu dự án 1 gồm phát triển đô thị khu vực nhà ga cũ và xung quanh nhà ga mới; tái phát triển đô thị hành lang tuyến đường sắt hiện trạng. 

Tiểu dự án 2 gồm đền bù giải tỏa phục vụ dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị, sử dụng nguồn vốn ngân sách TP. Quỹ đất hoàn trả cho dự án được dự kiến tại khu vực nhà ga cũ, xung quanh nhà ga mới, hai bên hành lang tuyến đường sắt cũ, cùng với quỹ đất của thành phố để thanh toán thực hiện dự án BT. Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện dự án trên các khu đất hoàn trả theo đúng quy hoạch.

Liên quan đến việc xin chủ trương thực hiện dự án, ông Huỳnh Đức Thơ kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP Đà Nẵng làm cơ quan thẩm quyền trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư để chủ động triển khai công tác chuẩn bị dự án, tổ chức lựa chọn và ký kết hợp đồng với nhà đầu tư theo quy định.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Đà Nẵng vẫn chưa xác định được địa điểm di dời ga Đà Nẵng, đó là đặt tại quận Liên Chiểu như quy hoạch trước đây hay tìm quỹ đất khác. Về việc này, ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cho rằng vị trí đặt nhà ga mới vẫn đang được UBND TP tính toán, xem xét. Khi UBND TP có đồ án quy hoạch chung theo tư vấn của Singapore thì sẽ bàn thảo lại, đồng thời HĐND TP cũng sẽ thẩm tra việc đặt vị trí của nhà ga mới. “Chúng tôi đã có tổ giám sát, lấy ý kiến của người dân xung quanh khu vực nằm trong quy hoạch” – ông Trung nói.

Khổ vì vướng quy hoạch

Ga Đà Nẵng sẽ được di dời ra khỏi nội đô để phục vụ tái phát triển đô thị

Do dự án bị treo suốt 16 năm qua, người dân sống trong vùng quy hoạch của ga đường sắt mới chịu trăm bề khổ cực. Chỉ riêng phường Hòa Khánh Nam đã có 19 tổ dân phố nằm trong vùng quy hoạch của dự án này, với hơn 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Vì vướng quy hoạch nên người dân không được xây dựng, nâng cấp nhà cửa…

Đáng nói hơn là những bất cập trong quản lý đất đai, tiêu cực và tình trạng xây dựng trái phép phát sinh trong những năm đầu công bố quy hoạch đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Đến nay, Thanh tra TP Đà Nẵng đã vào cuộc và chuyển 451 hồ sơ về nguồn gốc đất thuộc ranh giới khu vực ga đường sắt ở phường Hòa Khánh Nam sang Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng. Riêng việc xử lý nhà ở xây dựng trái phép đối với những hộ dân có thời gian cư trú trên 10 năm cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Thân Đức Minh, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, nói rằng việc đặt dự án nhà ga đường sắt mới ở địa bàn phường vào năm 2004 là hợp lý, bởi lúc đó phường vẫn được xem là vùng ven, nằm ngoài khu vực trung tâm TP, dân cư ít. Còn hiện tại, phường đã được xem là khu vực cận trung tâm, dân cư đông đúc nên việc đặt nhà ga đường sắt mới không còn phù hợp. “Nguyện vọng của người dân trong vùng quy hoạch là mong muốn TP sớm công bố số phận của dự án, triển khai vào lúc nào, nếu không thì xóa quy hoạch dự án ra khỏi địa phương” – ông Thân Đức Minh kiến nghị.

Trước nguyện vọng của người dân, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Đà Nẵng, kiến nghị các bộ, ngành trung ương giải quyết sớm thủ tục để dự án được triển khai thực hiện. Việc UBND TP gửi văn bản xin chủ trương của Thủ tướng cũng nhằm đốc thúc cho tiến độ của dự án được nhanh hơn.

Xin phê duyệt dự án cảng Liên Chiểu

UBND TP Đà Nẵng cũng vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt chủ trương đầu tư dự án bến cảng Liên Chiểu; địa điểm tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu.

Dự kiến, sau khi được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, TP Đà Nẵng sẽ tổ chức đấu thầu, đấu giá rộng rãi, công khai, minh bạch theo Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và các quy định hiện hành để kêu gọi nhà đầu tư. Dự kiến, thời gian thực hiện dự án từ năm 2020-2024, với tổng vốn đầu tư cơ bản trên 3.426 tỉ đồng. Hiện TP Đà Nẵng đã thực hiện xong các thủ tục của dự án như báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo thẩm định nội bộ của hội đồng thẩm định dự án và kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án; báo cáo thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn…

Theo Bích Vân
Người lao động

Đánh giá